Hồi giáo Thiên thần sa ngã

Hai thiên thần Harut và Marut bị trừng phạt bằng cách treo cổ trên giếng, không có cánh và tóc.
Miêu tả Iblis, mặt đen và không có tóc (trên cùng bên phải của tranh). Khác với những thiên thần khác, ông ta từ chối phủ phục trước Adam.

Thuật ngữ thiên thần sa ngã tuy đôi khi bị phủ nhận nhưng vẫn được biết đến rộng rãi trong Hồi giáo.[88] Một trong những người phản đối sự tồn tại của thiên thần mắc sai lầm là nhà thần học Hasan al-Basri,[lower-alpha 7] trong khi Abu Hanifa, nhà sáng lập trường phái luật học Hanafi, đã phân chia thiên thần ra làm hai thể loại: vâng lời và không vâng lời. Tuy vậy, thiên thần không vâng lời lại được phân biệt với jinn và ác quỷ (shayatin).[90] Kinh Qur'an có đề cập tới sự sa ngã của một nhân vật tên là Iblis trong một số Surah. Bên cạnh đó, Surah 2:102 cũng có nhắc đến một cặp thiên thần sa ngã truyền dạy pháp thuật cho con người. Tuy nhiên 2 thiên thần này không đi cùng Iblis. Thiên thần sa ngã hoạt động theo những cách hoàn toàn khác nhau trong Kinh Qur'an và Tafsir.[91] Theo Umm al-Kitab, Azazil tự cho rằng mình vượt trội Thiên Chúa chỉ đến khi y bị liệng xuống những tầng trời thấp hơn trước khi kết thúc tại mặt đất.[92] Theo một hadith được đề cập đến trong tác phẩm Qisas Al-Anbiya của Al-Tha'alibi (961–1038), Iblis đã chỉ huy hàng loạt thiên thần nổi loạn[93] cũng như những jinn hung tợn nhất từ tầng đáy của địa ngục.

Trong một câu chuyện kể bởi Ja'far al-Sadiq (700 hoặc 702–765), Idris (tức Hê-nóc) đã diện kiến một thiên thần vì phải gánh chịu cơn thịnh nộ của Đức Chúa trời mà bị cắt mất đôi cánh và mái tóc. Sau khi Idris cầu nguyện giúp ông ta trước Chúa, đôi cánh và mái tóc đã được phục hồi, đổi lại hai người trở thành bạn bè. Theo yêu cầu của Idris, vị thiên thần này đã đưa ông ta lên thiên đường bái kiến Thiên thần của Cái chết.[94] Một số học giả phi Hồi giáo gần đây cho rằng Uzair, người mà theo Surah 9:30 được người Do Thái gọi là con của Chúa, vốn ban đầu được gọi là thiên thần sa ngã.[95] Tuy các nhà chú giải kinh thư nhất trí Uzair là Ezra,[lower-alpha 8] nhưng không có bằng chứng lịch sử nào cho thấy người Do Thái gọi ông là con của Chúa. Do vậy mà Kinh Qur'an nhiều khả năng đã đề cập đến Ezra trên trời thay vì Ezra trần tục. Ezra được xác định là Hê-nóc sau khi thăng thiên, người cũng được xác định là thiên thần Metatron (còn gọi là tiểu YHWH) trong thuyết thần bí Merkabah.[97]

Iblis

Kinh Qur'an chứa nhiều trích đoạn kể về sự sa ngã của Iblis. Theo Surah 2:30, các thiên thần phản đối ý định tạo ra loài người của Thượng Đế (Allah), cho rằng con người sẽ chỉ "làm điều thối nát" và gây nên cảnh "đổ máu".[98] Trích đoạn này lặp lại lời tường thuật trong Hê-nóc 1 và Sách Jubilee. Các thiên thần đưa ra lời khuyên này trước Allah sau khi họ quan sát thấy con người làm những điều bất chính.[99] Tuy nhiên sau khi Allah chứng tỏ rằng Adam sở hữu sự hiểu biết vượt trội các thiên thần, Ngài đã ra lệnh cho họ phủ phục[lower-alpha 9] trước người ông ta. Chỉ có Iblis từ chối làm theo mệnh lệnh. Khi Thượng Đế hỏi Iblis về nguyên nhân sao lại từ chối, Iblis kiêu hãnh cho rằng bản thân vượt trội hơn Adam, vì ông ta được tạo ra từ lửa. Với hành động "bất tuân" đó, Allah đã trục xuất Iblis khỏi thiên đàng. Trong các surah thuộc thời kỳ Mecca, Iblis xuất hiện như một thiên thần đã bị giáng cấp.[100] Tuy nhiên, do được gọi là jinni trong Surah 18:50, một số học giả cho rằng Iblis vốn trên thực tế không phải một thiên thần, mà là một thực thể riêng biệt. Họ cho rằng Iblis được ban thưởng cho sự công bình của mình, và do vậy đã được liệt vào hàng ngũ thiên thần. Cũng chính vì điều này mà những học giả này đã bác bỏ khái niệm thiên thần sa ngã, đồng thời làm nổi bật tính tôn quý của thiên thần bằng cách trích dẫn một số từ Kinh Qur'an như 66:6 và 16:49, đặt ra ranh giới rõ ràng giữa thiên thần không thể lầm lỗi với jinn,[lower-alpha 10] những kẻ có khả năng bước vào con đường sai trái:[101]

Bất cứ sinh vật nào trong các tầng trời và dưới đất, và cả Thiên Thần cũng đều phủ phục trước Allah mà không hề tỏ vẻ kiêu căng.

— Surah "An-Nahl" 16:49

Tuy nhiên, khái niệm jinni không thể loại trừ rõ ràng việc Iblis là một thiên thần.[101] Theo Ibn Abbas, các thiên thần canh giữ jinan (có nghĩa là thiên đường) được gọi là Jinni, cũng giống như người đến từ Mecca được gọi là Mecci vậy. Do đó, hai thuật ngữ tuy giống nhau, nhưng jinni không liên quan đến tộc jinn.[102][103] Những học giả khác khẳng định rằng jinn là tất cả mọi thứ mà mắt người không thể nhìn thấy được, bao gồm cả thiên thần lẫn các tạo vật khác. Vì thế, những gì được ghi ở Surah 18:50 không thể loại trừ khả năng rằng Iblis là một thiên thần. Trong Surah 15:36, Thượng Đế yêu cầu Iblis chứng minh sự bất xứng của con người. Surah 38:82 cũng xác nhận việc Iblis dựa vào quyền năng của Thượng Đế để âm mưu dẫn dắt loài người bước vào con đường tà đạo.[104] Tuy nhiên, như đã được đề cập trong Surah 17:65, những cố gắng của Iblis – nhằm khiến bề tôi của Chúa lầm đường lạc lối – được định sẵn thất bại.[104] Những tình tiết miêu tả Iblis trong kinh Qur'an tương tự với những thiên thần tội lỗi trong các cuốn sách Jubilee trước đó: Cũng giống như Iblis, Mastema cầu xin Thượng Đế cho phép mình cám dỗ nhân loại, và cả hai đều không đủ mạnh để có thể phỉnh gạt bề tôi của Chúa.[105] Tuy nhiên, mô-típ về sự bất tuân của Iblis không bắt nguồn từ truyền thuyết về những Canh thức, mà có thể bắt nguồn từ kinh nguỵ tác Hang Kho báu, một tác phẩm có lẽ bao gồm cách giải thích tiêu chuẩn về sự sa ngã Satan trong Cơ Đốc giáo Tiền Chính thống.[98] Theo cách lý giải này, Satan từ chối phủ phục trước Adam, bởi vì ông ta là "lửa" và một "thánh linh". Do đó, Satan bị trục xuất khỏi thiên đàng.[98][106] Trái ngược với quan điểm chiếm đa số trong Thiên Chúa giáo sau này, ý niệm rằng Iblis cố gắng chiếm đoạt cái ngai của Thượng Đế đối với Hồi giáo có thể nói là xa lạ. Với tính độc thần tối nghiêm của Hồi giáo, những chuyện bề tôi "đại nghịch" mưu đồ tiếm đoạt ngai vị của Thượng Đế như vậy được xem là không tưởng.[107]

Harut và Marut

Trong Surah 2:102, Harut và Marut là một cặp thiên thần truyền dạy yêu thuật cho con người. Mặc dù lý do tại sao họ lại ở nhân gian không được đề cập trong Kinh Qur'an, nhưng lời tường thuật kế tiếp đã được liệt vào hàng kinh điển trong truyền thống Hồi Giáo.[108] Nhà chú giải Qur'an Al-Tabari cho rằng tác giả của giai thoại này là Ibn MasudIbn Abbas,[109] một điều được chứng thực bởi Ahmad ibn Hanbal.[110] Tóm tắt ngắn gọn, các thiên thần phàn nàn về sự xảo trá của con người và cầu xin Thượng Đế tiêu diệt nhân loại. Do vậy, Thượng Đế đưa ra một bài kiểm tra để xác định xem thiên thần về mặt lâu dài liệu có làm tốt hơn con người hay không. Các thiên thần được Thượng Đế ban cho sự thúc giục giống như con người và phải nằm dưới quyền Satan. Các thiên thần đã chọn hai (hoặc ba theo một số nguồn) người trong số họ thực hiện bài kiểm tra. Tuy nhiên, sau khi hạ phàm, những thiên thần này đã có hành động sai trái, vui hưởng lạc thú, phạm tội thờ cúng thần tượng, thậm chí còn giết một người vô tội chỉ vì ông ta đã nhìn thấy những việc làm lầm lỗi của họ. Vì những việc làm trên, các thiên thần này đã bị phạt và không được phép thăng thiên nữa.[111] Có lẽ hai cái tên Harut và Marut có gốc gác từ Hỏa giáo, bắt nguồn từ hai Amesha Spentas[lower-alpha 11] có tên là HaurvatatAmeretat.[112] Mặc dù Kinh Qur'an gọi những thiên thần sa ngã bằng những cái tên Iran, nhiều mufassir[lower-alpha 12] xác nhận họ có nguồn gốc từ Sách Canh thức. Tương tự Hê-nóc 3, Hisham ibn al-Kalbi (737 – 819) đặt tên cho ba thiên thần xuống nhân gian, và ông thậm chí còn đặt tên họ giống sách Hê-nóc. Al-Kalbi giải thích rằng một trong số họ đã quay trở lại thiên đường trong khi hai người kia ở lại hạ giới và đổi tên thành Harut và Marut.[113] Tuy nhiên, tương tự câu chuyện về Iblis, câu chuyện của Harut và Marut không có bất kỳ dấu vết nào về một cuộc nổi loạn của các thiên thần. Hay đúng hơn, những câu chuyện về các thiên thần sa ngã đề cập trong Kinh Qur'an đều có liên quan đến sự cạnh tranh giữa con người và thiên thần.[114] Như Kinh Qur'an khẳng định, Harut và Marut được Thượng Đế gửi xuống nhân gian, và khác với những Canh thức trong Sách Hê-nóc, hai người bọn họ chỉ truyền dạy con người ma thuật vì Thượng Đế cho phép họ,[115] cũng như Iblis chỉ có thể cám dỗ con người vì ông đã xin phép trước.[116]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thiên thần sa ngã http://jewishencyclopedia.com/articles/10177-lucif... http://jewishencyclopedia.com/view.jsp?artid=24&le... http://www.sacred-texts.com/bib/bep/bep02.htm http://perseus.uchicago.edu/cgi-bin/philologic/get... http://www.almuslih.org/Library/Reed,%20A%20-%20Fa... //dx.doi.org/10.1163%2F1573-3912_ei3_COM_23204 //dx.doi.org/10.1163%2F9789004319288_008 //dx.doi.org/10.2307%2F25765960 //dx.doi.org/10.2307%2F3266192 //www.jstor.org/stable//j.ctt1dxg867